Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

Vui chơi và sự phát triển của trẻ


Các nhà khoa học đã kết luận rằng, di truyền chỉ có thể quyết định tiềm năng, chính môi trường và sự nuôi dưỡng đóng vai trò rất quan trọng đến sự thông minh của trẻ. 
Sự kích thích trí não của trẻ trong những năm đầu đời - đặc biệt qua việc cho trẻ vui chơi đúng cách - quan trọng hơn bất kỳ giai đoạn nào khác trong cuộc đời của trẻ. 
Một hội nghị về chủ đề “Những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển trí thông minh của trẻ” do Hội Nhi khoa Việt Nam phối hợp cùng Công ty Mead Johnson đã được tổ chức vừa qua tại TP Hồ Chí Minh với sự tham dự của các chuyên gia nghiên cứu thuộc khoa Tâm lý Trường Đại học Yale (Mỹ), nhiều bác sĩ nhi khoa và sản khoa... tại hội nghị, tham luận của nhiều chuyên gia đã khẳng định việc vui chơi giúp phát triển trí não của trẻ, môi trường sống ảnh hưởng đến tính hung hăng của trẻ... 


Trước đây, người ta cho rằng di truyền là yếu tố duy nhất quyết định sự thông minh của trẻ. 
Tuy nhiên, thời gian gần đây, qua những nghiên cứu các nhà khoa học kết luận rằng di truyền chỉ có thể quyết định tiềm năng, môi trường và sự nuôi dưỡng đóng vai trò rất quan trọng. Sự kích thích trí não của trẻ trong những năm đầu đời sẽ quan trọng hơn bất kỳ giai đoạn nào khác trong cuộc đời của trẻ. Nếu nhận được sự kích thích từ môi trường một cách thích hợp trong giai đoạn não đang phát triển rất nhanh này, trẻ sẽ tiếp nhận được nhiều bài học. 
Các nghiên cứu khoa học cho thấy rằng, ở mỗi thời kỳ, sự phát triển của các giác quan của não sẽ mạnh yếu khác nhau, nếu não không nhận được thông tin cần thiết ở các thời kỳ quan trọng thì trẻ sẽ khó tiếp thu hơn ở giai đoạn sau này. 
Theo báo cáo của bác sĩ Hoàng Lệ Hằng - phụ trách y tế của Công ty Mead Johnson tại Việt Nam, việc chơi đùa của trẻ không chỉ đơn giản là để vui thích, mà nó rất quan trọng trong việc hỗ trợ sự phát triển trí thông minh, hình thành cảm xúc của trẻ, tạo cho trẻ khả năng phân tích đến những kỹ năng giao tiếp xã hội. Khi trẻ chơi đùa sẽ có sự thay đổi của sóng thần kinh trong não trẻ. Lúc này, trẻ sẽ "chơi mà học, học mà chơi", vì khi chơi trẻ phải quan sát, tập trung, thử nghiệm, suy nghĩ... Lúc này, các cơ quan thần kinh của trẻ sẽ được kích thích để tiếp nhận, gửi đi và xử lý các tín hiệu. Sự hình thành và cố định nhiều hơn các kết nối thần kinh... giúp gia tăng dẫn truyền tín hiệu thần kinh. 
Do đó, trẻ chơi các đồ chơi không chỉ đơn thuần là giải trí mà còn giúp gia tăng trí tuệ và sức khỏe cho trẻ, trẻ sẽ có khả năng học hỏi từ những động tác của môi trường xung quanh. Những trẻ không được vui chơi, chăm sóc thường xuyên sẽ bị hạn chế về khả năng phát triển trí não. 
Chuyên gia tâm lý Trường Đại học Yale - Tiến sĩ Dorothy G.Singer cho rằng các yếu tố môi trường (như yếu tố vật lý, xã hội...) sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ. Việc trẻ tương tác với người lớn thông qua các trò chơi, cũng như việc chơi với các bạn cùng lứa là rất quan trọng cho việc phát triển các kỹ năng xã hội cho trẻ. 
TS G.Singer nói, bố mẹ cần dành thời gian tiếp xúc nhiều với trẻ, nói chuyện với trẻ càng nhiều càng tốt, cần phải phối hợp giữa sự an ủi vỗ về và tính nghiêm khắc đối với trẻ. Điều quan trọng là mỗi đêm trước khi ngủ, người mẹ cần kể những mẩu chuyện cho trẻ nghe. Những bài hát ru của người mẹ dù nhịp điệu, lời hát không hay, nhưng cảm xúc tình cảm của người mẹ gửi vào trong bài hát sẽ làm cho trẻ thích thú hơn là bật ti vi lên. Đối với các trẻ nhỏ, nhiều khi trẻ chưa hiểu được câu chuyện kể, lời bài hát, song chúng sẽ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ rất nhiều về sau, có tác động kích thích sự phát triển các tế bào thần kinh, giúp trẻ phát triển tư duy trừu tượng, phát triển các môn toán, các môn khoa học tự nhiên sau này. Bố mẹ cần có một thái độ tích cực đối với việc vui chơi của trẻ, phải dành cho trẻ thời gian để chơi. Nhiều trẻ sau khi tan trường là những buổi học thêm khác nên trẻ không có thời gian chơi, tiếp xúc với các đồ chơi, các trò chơi, khiến cho trẻ không có óc tưởng tượng, mộng mơ. Nếu có điều kiện, cần dành cho trẻ một góc hay căn phòng nhỏ cho trẻ, bởi trẻ rất thích cất giấu những đồ chơi mà bé yêu thích... Đối với một số trò chơi tưởng tượng (chẳng hạn bé đóng vai cô giáo, còn các búp bê là học trò...), thông qua đó sẽ đem lại lợi ích về mặt nhận thức, cảm xúc và xã hội cho trẻ. Về mặt nhận thức, khi chơi những trò chơi tưởng tượng, trẻ sẽ phát triển rất nhiều về thực hành từ vựng (biết về thì tương lai), sử dụng văn phạm mới, thực hành tưởng tượng, suy nghĩ đa chiều, thành thạo suy nghĩ và phân biệt hiện thực - tưởng tượng. 
Chẳng hạn, bé chơi trò chơi xếp những chú gấu đóng vai khách, bé nấu nước pha trà mời gấu uống, thì trong suốt quá trình chơi này bé sẽ sử dụng hình ảnh tưởng tượng trong đầu của mình. 
Lợi ích về mặt xã hội, khi chơi trò chơi tưởng tượng, bé học được cách kiềm chế, chờ đợi và tính kiên nhẫn (chẳng hạn các chú gấu phải đợi khi bé nấu nước, pha trà xong mới được uống), cũng như sẽ giúp cho trẻ hoàn thiện các kỹ năng để chuẩn bị đến trường một cách tự tin hơn (như bé học số đếm thông qua việc xếp 4 chú gấu thì xếp kèm theo 4 cái muỗng). 
Lợi ích về mặt cảm xúc, qua trò chơi tạo cho bé tính đồng cảm và thông cảm, chẳng hạn bé chơi trò chơi búp bê bị thương và lấy bông băng để băng bó lại cho búp bê,... 
Còn TS Jerome L.Singer, cũng thuộc Đại học Yale cho rằng, người lớn cần hiểu được mặt tích cực và mặt tiêu cực của các loại đồ chơi đối với trẻ em. Bởi một số đồ chơi sẽ ảnh hưởng đến trí não, tính cách, nhân cách của trẻ về sau, đặc biệt là trẻ ở giai đoạn từ 3-5 tuổi (giai đoạn hình thành nhân cách). Nhiều nghiên cứu thống kê cho thấy trẻ em thường xuyên tiếp xúc với các đồ chơi, phương tiện điện tử và những trò chơi bạo lực, thì trẻ sẽ luôn có cảm giác xung quanh mình lúc nào cũng nguy hiểm, hoặc trẻ sẽ bị cảm xúc chai lì trước những hành vi bạo lực. Cũng như những trẻ thường xuyên tiếp xúc với các trò chơi bạo lực (chẳng hạn trò chơi với chủ đề con quái vật xuất hiện và người đối diện thường xử lý bằng đâm chém con quái vật...), thì thường về sau trẻ sẽ giải quyết vấn đề bằng "đánh" hay "tấn công", trẻ sẽ ít vâng lời, và làm tăng tính khí hung hăng trong suy nghĩ và hành động của trẻ, về sau trẻ không tuân theo luật lệ, giải quyết các vấn đề bằng hành động bạo lực, thường kết bạn với những trẻ xấu, dễ dính líu đến những hành động bạo lực và tội ác. Người ta nhận thấy rằng, ảnh hưởng của trò chơi bạo lực trên bé trai nhiều hơn ở bé gái. Trò chơi không những tạo tính khí bạo lực mà còn làm giảm sự phát triển trí tuệ và tính thông minh của trẻ. 
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi: “Phương pháp dùng đòn roi để phạt tội con có nên không?”. Các chuyên gia trả lời rằng, nếu thường xuyên sử dụng cách đánh đòn với trẻ thì trẻ sẽ hung hăng khi lớn lên, cũng như trẻ sẽ sử dụng những hành vi đó để giải quyết "vấn đề", hoặc trẻ sẽ rơi vào tình trạng khó xử. Với câu hỏi “Có nên can thiệp khi trẻ trai thích chơi các trò chơi của bé gái”, các chuyên gia khuyên đừng lo lắng mà can thiệp quá mức, sẽ gây ức chế cho trẻ. Nếu chỉ cho trẻ trai chơi toàn các trò chơi bắn súng mà không cho trẻ chơi các đồ chơi của bé gái thì lớn lên trẻ không có tính mềm mỏng, ân cần, hay chăm sóc... 
“Cần chơi với trẻ bao lâu trong ngày là đủ?”. Các chuyên gia cho rằng, chất lượng của cuộc chơi quan trọng hơn là số lượng thời gian... Từ lúc mới sinh cho đến 3 tháng tuổi, bạn có thể chơi những trò chơi với trẻ như bắt chước, giả bộ, ú òa, chơi với nước (khi tắm cho bé), nhảy múa (vừa bế trẻ, vừa khiêu vũ nhảy trong phòng, lắc chân tay trẻ theo điệu nhạc)... Sau 3 tháng tuổi, trẻ có thể chơi hình khối, rung lắc, lắc xúc xắc. Từ 6 tháng tuổi trở lên, bé có thể chơi bóng, nhà thám hiểm, xếp chồng lên nhau, các hình mềm, giai đoạn này có thể cho bé tờ giấy để bé vẽ tùy thích. Từ 2,5 - 5 tuổi, bé biết học cách liên kết giữa đồ vật và từ vựng, phân biệt đồ chơi cả về màu sắc lẫn chiều dài...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét